Hiện nay, dịch vụ chuyển nhà ngày càng được mọi người ưa chuộng bởi sự tiện lợi, nhanh chóng, giúp tiết kiệm tối đa thời gian và công sức khi chuyển nhà. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển nhà với chất lượng từ thượng vàng đến hạ cám. Nếu không lựa chọn kỹ lưỡng, không lựa chọn dịch vụ chuyển nhà uy tín, bạn rất dễ rơi vào những tình huống dưới đây của nhiều khách hàng khi sử dụng dịch vụ chuyển nhà trọn gói.
1. Nhân viên bọc lót đồ đạc không cẩn thận
Chị Quỳnh (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Tháng trước nhà mình chuyển nhà, anh xã bảo thuê dịch vụ chuyển nhà cho tiện, mọi người trong gia đình đỡ vất vả chuyển đồ. Họ làm rất nhanh, chuyển đồ và sắp xếp xe rất chuyên nghiệp, thái độ phục vụ khá nhiệt tình. Tuy nhiên, khâu đóng gói đồ đạc thì hơi ẩu. Như là tủ lạnh, ti vi họ chỉ quấn nilon chứ không có chăn bọc; bàn ghế thì không bọc bề mặt nên đến nhà mới thấy mặt bàn ăn nhà mình bị xước. Mấy đồ đạc khác thì bị xây xước đôi chút. Lần sau nếu có chuyển nhà mình phải lưu ý giám sát, nhắc nhở bên dịch vụ chuyển nhà hơn mới được”.
2. Đồ đạc bị đổ vỡ
Anh Việt (Thanh Xuân) thì gặp phải trường hợp đồ đạc của gia đình bị đổ vỡ khi chuyển đến nhà mới. Đó là lần đầu tiên gia đình anh chuyển nhà, chưa có kinh nghiệm gì nên thuê dịch vụ chuyển nhà chất lượng không ưng ý. Khi họ chở đồ đến nơi, lúc dọn đồ ra sắp xếp thì phát hiện mấy cái bình gốm, bát sứ đắt tiền mua tận bên Trung Quốc xây xước, nứt vỡ. Bên chuyển nhà cam kết sẽ đền bù bằng tiền nhưng anh không hài lòng lắm vì giờ mua lại mấy thứ đó rất khó, tiếc tiền thì ít mà tiếc của thì nhiều.
3. Đồ đạc bị mất mát không biết kêu ai
Trước đây, gia đình chị Hồng (Đống Đa) từng chuyển nhà rất nhiều lần nên bạn bè của gia đình hay đùa: “Ba lần chuyển nhà bằng một lần cháy nhà”. Bởi vì mỗi lần nhà chị chuyển nhà, bên cạnh những đồ đạc bị đổ vỡ, xây xước thì có những đồ đạc bị mất mát mà không biết lý do tại sao. Đồ đạc của gia đình thì nhiều nên rất khó quản lý, mà nhà lại neo người, lúc chuyển nhà thì chị mang bầu, lúc thì cả hai vợ chồng đều bận nên không quán xuyến được hết việc chuyển nhà. Đồ đạc nhỏ nhặt nên gia đình chị cũng không thông báo với công ty chuyển nhà vì ngại việc giải quyết, đền bù rắc rối, tốn thời gian.
4. Phát sinh chi phí sau khi chuyển nhà
Theo ý kiến của không ít khách hàng khi sử dụng một số dịch vụ chuyển nhà, sau khi hoàn tất quá trình chuyển đồ đạc từ nhà cũ sang nhà mới, đến lúc thanh toán chi phí, họ phải trả thêm một khoản tiền được gọi là tiền bồi dưỡng cho nhân viên chuyển nhà. Rõ ràng đây là khoản tiền không có trong thỏa thuận hợp đồng nhưng nhiều khách hàng không muốn để xảy ra cãi cọ trong ngày chuyển về nhà mới nên đành trả tiền cho xong mà vẫn không thôi ấm ức.
Một chi phí nữa cũng có thể phát sinh ngoài hợp đồng đã thỏa thuận đó chính là tiền làm thêm ngoài giờ đã ký kết. Ví dụ như hợp đồng chuyển nhà hai bên thỏa thuận là sẽ mất khoảng 4 giờ đồng hồ cho việc chuyển nhà nhưng khi tiến hành chuyển nhà lại phát sinh thêm các vấn đề như đồ đạc quá nhiều, tắc đường… khiến thời gian từ 4 giờ đồng hồ chuyển thành 5 giờ. Vậy thì người thuê sẽ lại phải mất khoản tiền cho 1 giờ đồng hồ ngoài hợp đồng đó. Bên cạnh đó, có không ít đơn vị chuyển nhà làm ăn theo kiểu chộp giật, manh mún, khi giới thiệu với khách hàng thì đưa ra mức giá rẻ nhất nhưng trong quá trình thực hiện thì lại phát sinh thêm rất nhiều chi phí để đội giá thành lên.
Để tránh gặp phải những trường hợp đáng tiếc như đồ đạc bị đổ vỡ, hỏng hóc, mất mát hay phải trả thêm khoản chi phí phát sinh không đáng có, bạn hãy lựa chọn thật kỹ lưỡng khi thuê dịch vụ chuyển nhà. Tham khảo trên mạng, hỏi bạn bè người quen, tìm hiểu kỹ và lựa chọn được dịch vụ uy tín, chất lượng để yên tâm về tài sản của gia đình mình khi chuyển đến nhà mới.