Mỗi lần cần phải chuyển văn phòng, chuyển nhà, điều mà có lẽ mọi người lúng túng, lo lắng nhất chính là công đoạn đóng gói đồ đạc trước khi chuyển đi. Đặc biệt là vào mùa hè nóng bức, mọi người rất dễ cảm thấy mệt mỏi, nên nếu như không biết cách làm, bạn không chỉ tốn thêm tiền thuê vận chuyển, mà còn tốn rất nhiều thời gian, công sức mà chưa chắc đã đạt được hiệu quả như mong muốn.
Đối với những đồ đạc như sách, vở, chăn gối… thì có lẽ công việc đóng gói cũng không quá khó khăn. Nhưng với một số đồ đạc đặc thù như gốm sứ, đồ dễ vỡ, hay những đồ điện tử như máy tính, máy in…nếu đóng gói, bảo quản không đúng cách rất có thể sẽ gây hư hại, hỏng hóc. Vì vậy, hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn cách bảo quản, đóng gói những đồ vật này nhé.
1. Đối với đồ dễ vỡ
Vật liệu dùng để đóng gói
Để hạn chế tối đa những rung lắc, va chạm trong quá trình vận chuyển, đặc biệt là với quãng đường dài bằng xe tải, mọi người nên sử dụng những vật dụng mềm để chèn lót những đồ đạc này, ví dụ như quần áo, chăn, chất liệu vải mềm…
Không chỉ có vậy, để đảm bảo tốt nhất cho những đồ dễ vỡ này, sau khi đã chèn lót bạn cần thêm những chiếc thùng carton, nếu có thể thì nên sử dụng những loại thùng đựng chuyên dụng, hạt đậu xốp, mút, hoặc giấy cứng dày để bọc bên ngoài, đệm bọt khí, túi xốp hoặc đệm chống va đập… để xếp những đồ vào.
Cách đóng gói
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ những nguyên vật liệu cần thiết, tiếp đến sẽ là công đoạn đóng gói. Bạn cần một mặt phẳng sạch sẽ, rồi đặt từng đồ vật một lên đó để đóng gói, bằng cách sử dụng những loại giấy không gây trầy xước, giấy mềm để bọc lớp lót đầu tiên, rồi mới đến lớp màng xốp bên ngoài.
Sau đó, đặt cẩn thận những đồ này vào thùng carton có kích thước phù hợp, nếu thùng to thì cần phải sắp xếp đồ đạc làm sao để hạn chế tối đa những khoảng trống, như vậy sẽ giảm bớt khả năng bị va đập vào nhau làm vỡ đồ trong quá trình di chuyển.
2. Với đồ điện tử
Vật liệu đóng gói
Tương tự như đồ dễ vỡ, chúng ta cũng cần sử dụng những chiếc thùng để đóng gói (nếu có hộp của chính đồ đó thì sẽ là tốt nhất vì có kích thước phù hợp) và vật liệu mềm để lót.
Ngoài ra, cần chuẩn bị thêm các vật liệu nylon kín, vật liệu chịu lực, xốp, mút… để chống nước cho đồ đạc.
Cách đóng gói
Cách làm cũng tương tự như với đồ dễ vỡ, tuy nhiên bạn cần lưu ý thêm một số việc như:
• Tháo và cất giữ riêng pin của máy tính để tránh tình trạng cháy nổ
• Với những đồ như máy giặt, tủ lạnh, cần phải ngắt nguồn điện trước khi di chuyển ít nhất nửa tiếng.
• Khi đến nhà mới, nên đợi khoảng nửa tiếng hoặc một tiếng rồi mới kết nối điện, tránh tình trạng chập điện, sốc ga, làm hỏng thiết bị.
Việc đóng gói và bảo quản đồ đạc một cách cẩn thận chính là việc dễ dàng nhất để tiết kiệm chi phí cho gia chủ. Và tránh những tranh chấp không đáng có với bên dịch vụ vận chuyển nếu sảy ra những tình trạng vỡ, hỏng hóc đồ đạc.